Nghề biển ở Giao Hải
Với 18km bờ biển, xã Giao Hải (Giao Thủy) có thế mạnh về khai thác thủy, hải sản. Từ nguồn khai thác, người dân Giao Hải đã phát triển nghề chế biến thủy sản, nhiều người có thể làm giàu nhờ biển cả.
Toàn xã hiện có 170 tàu công suất từ 20-90CV, trong đó có 150 tàu công suất nhỏ khai thác gần bờ, 20 tàu công suất 90CV đánh bắt xa bờ. Nghề đánh bắt thủy sản là nghề chính “cha truyền con nối”, mang lại nguồn thu nhập lớn cho hơn 300 hộ dân nơi đây. Mỗi năm trung bình sản lượng khai thác thủy sản toàn xã đạt khoảng 20 nghìn tấn, doanh thu khoảng 70 tỷ đồng. Tàu của các ông Trần Văn Dương (xóm 6), Nguyễn Văn Bồn (xóm 15), Doãn Văn Quế (xóm 17)… là những tàu đánh bắt đạt hiệu quả cao của địa phương. Ông Dương chia sẻ: “Nghề đi biển ngấm vào máu thịt của chúng tôi rồi, đây là nguồn thu nhập chính của những người dân biển chúng tôi. Mỗi khi biển lặng thì những chuyến ra khơi đều yên bình, thắng lợi, nhưng khi biển động thì vất vả, gian nan lắm”. Nhưng sau mỗi chuyến biển trở về, dù yên bình hay gian nan, các hộ vẫn lại sửa chữa tàu thuyền, ngư cụ, sắm sanh chuẩn bị cho chuyến đi mới. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hỗ trợ phát triển nghề đánh bắt, chợ cá Giao Hải đã được đầu tư phát triển ngày càng sôi động. Mỗi ngày, chợ cá Giao Hải họp đều đặn 2 phiên vào đầu giờ sáng và đầu giờ chiều theo cữ thuyền về. Người cầm cân, người cầm túi… phiên chợ tíu tít tiếng nói cười, ai cũng hối hả để có những sản phẩm tươi ngon nhất chuyển đi bán khắp nơi. Từ ngày giao thông trên địa bàn thuận lợi, nhiều khách mua lẻ, nhà hàng còn hẹn đặt hàng trước. Chợ cá đã giúp tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động với mức trung bình 300-400 nghìn đồng/người/ngày. Nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân, địa phương luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục giúp người dân nâng cao nhận thức về Luật Biển, các văn bản pháp luật về biển và quy định đánh bắt, khai thác theo hướng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên biển. Hiện xã đã thành lập được 11 tổ tự quản trên biển. Xã khuyến khích các hộ khai thác thủy sản mạnh dạn đầu tư nâng cấp tàu thuyền đáp ứng yêu cầu khai thác xa bờ. Nhiều gia đình đã tự bỏ vốn 500-700 triệu đồng để đóng mới tàu thuyền có công suất 200-300CV để việc “vươn khơi bám biển” đạt hiệu quả cao hơn. Không chỉ nghề đánh bắt, nghề chế biến thủy, hải sản tại địa phương cũng ngày càng phát triển với các sản phẩm chủ yếu là cá mai khô, sứa, nước mắm, mắm tôm… Đi đầu trong chế biến thủy sản ở Giao Hải phải kể đến Cty TNHH một thành viên Hùng Vương với sản lượng hàng trăm tấn sản phẩm mỗi năm. Cty đã giải quyết việc làm cho hơn 100 người lao động. Ngoài ra, hơn chục hộ chuyên chế biến nước mắm, mắm tôm có uy tín, thu nhập kinh tế ổn định. Điển hình là hộ của ông Trần Văn Phung, xóm 9. Ông Phung đã có thâm niên hơn 40 năm trong nghề làm nước mắm. Cứ 1 tấn tép ông thu được 300 lít nước mắm, 1 tấn cá được 700 lít nước mắm. Trung bình mỗi năm hộ của ông Phung tiêu thụ được hơn 6.000 lít nước mắm. Nước mắm của ông làm bằng phương pháp thủ công truyền thống, tuyệt đối không sử dụng hóa chất. Để cho ra những giọt nước mắm nguyên chất thơm ngon đến tay người tiêu dùng là cả một quy trình sản xuất khắt khe với những kinh nghiệm được đúc kết từ lâu đời. Tiếng lành đồn xa, nhiều khách hàng đã tìm về tận nhà ông mua, đặt với số lượng lớn, với giá bán trung bình từ 60-70 nghìn đồng/lít. 


Chế biến cá mai khô tại Cty TNHH một thành viên Hùng Vương, xã Giao Hải.

 
Để nghề chế biến và đánh bắt thủy sản ngày càng phát triển, thời gian tới, xã tiếp tục động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho bà con ngư dân chuyển đổi, cải hoán phương tiện công suất lớn hơn vươn khơi đánh bắt, mang lại nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con nhận thức tốt hơn về các quy định cấm, nghề cấm trong khai thác thủy sản, nhắc nhở các chủ tàu cá khi tàu hết hạn đăng kiểm hoặc giấy phép khai thác, không sử dụng các ngư cụ, phương pháp khai thác có tính hủy diệt. Khuyến khích dân đầu tư phát triển phương tiện đánh bắt, kiên trì bám biển, thúc đẩy kinh tế gia đình và địa phương phát triển ngày càng bền vững, góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển. Đối với các cơ sở chế biến thủy sản, xã thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ chế biến thủy sản tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm./. 
 
Bài và ảnh: Thanh Hoa

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1